**Tự do và lòng can đảm của con trẻ**
Nâu đi vào bếp giúp mẹ cắt chả cá chuẩn bị cho bữa tối. Phía bàn ăn, ba Hùng và em Cá đang lọ mọ chuẩn bị chén dĩa đũa muỗng bày biện bàn ăn.
- Mẹ ơi, sao ba Hùng không kiên nhẫn như mẹ vậy mẹ? Nâu hỏi.
Mẹ dừng lại 2 giây khéo nhìn về phía ba Hùng và cả 2 cùng nhoẽn miệng cười. Nụ cười không cần ngôn từ mà hiểu nhau ghê lắm.
- Điều gì ở ba Hùng làm con nghĩ ba không kiên nhẫn vậy Nâu?
- à, khi ba nói chuyện với Nâu mà Nâu chưa trả lời thì ba sẽ quay đi. Còn mẹ nói chuyện với Nâu khi Nâu chưa trả lời mẹ vẫn ngồi đó để chờ và tiếp tục hỏi Nâu đến khi Nâu trả lời.
Có thể câu hỏi đó xuất phát từ câu chuyện cafe sáng nay của cả nhà. Mẹ thầm nghĩ.
- oh ra là vậy. Mẹ rất thích câu hỏi của Nâu. Thế, con đang hỏi về ba Hùng phải không? Theo con mẹ hay ba sẽ cho con câu trả lời đúng nhất về ba?
- Dạ ba Hùng.
- Vậy con hỏi ba đi.
Nâu quay qua hỏi ba Hùng.
- Sao ba Hùng không kiên nhẫn vậy ba?
- Ah ba đang học hỏi thêm về điều này đó Nâu, Ba nói.
Mẹ tiếp lời,
- Mẹ kiên nhẫn hơn ba không có nghĩa là mẹ tốt hơn hay giỏi hơn ba Hùng. Có nhiều lúc mẹ cũng không đủ kiên nhẫn với Nâu và Cá. Và mẹ với ba cũng đang học bài học này. Mà Nâu thích nói chuyện với người kiên nhẫn hay thiếu kiên nhẫn?
- Dạ Nâu thích nói chuyện với người kiên nhẫn.
- Nâu thấy mình đang là người kiên nhẫn hay không kiên nhẫn vậy?
- Dạ Nâu chưa kiên nhẫn mẹ.
- Điều gì làm con nghĩ mình là người không kiên nhẫn?
- Dạ Nâu hay lớn tiếng với em Cá.
- Còn gì nữa không?
- Nâu dành đồ chơi với em.
- Vậy theo con, để trở thành người kiên nhẫn thì mình cần làm gì?
- Dạ Nâu sẽ lắng nghe em và chơi với em, chia sẻ đồ chơi với em, nói chuyện với em, nói đi nói lại nếu em không nghe.
- Tuyệt vời lắm. Mẹ, Nâu và Ba cùng nhau học về sự kiên nhẫn rồi mình dạy cho em Cá về điều này nhé. Mẹ rất rất thích câu hỏi của Nâu.
Cuộc nói chuyện nhanh, ngắn và bài học về sự kiên nhẫn bắt đầu từ một câu hỏi của con trẻ. Nhưng cho cả nhà mình nhiều bài học.
Sáng nay khi có thời gian với nhau, anh Hùng và Nguyệt đều thấy rất vui khi cùng chia sẻ lại câu chuyện này. Câu nói của Nâu, “Mẹ ơi, sao ba Hùng không kiên nhẫn như mẹ vậy mẹ?” Chính là TẤM GƯƠNG PHẢN CHIẾU của ba mẹ. Việc im lặng của ba Hùng lúc đó là sự tinh tế và khiêm tốn nhằm tạo cho con một khoảng không tự do chia sẻ điều mình thấy. Điều này nuôi dưỡng lòng can đảm còn non nớt của con. Can đảm ở chỗ Nâu không cảm thấy sợ khi hỏi ba về điều con quan sát thấy. Dù con có thấy ba Hùng đâu đó đã chưa đủ kiên nhẫn nhưng vẫn rất yêu thương và quấn quýt, mê tít ba Hùng dạy con vẻ và chở con đi chơi,...
Chúng ta, có nhìn thấy hình ảnh của chính mình qua chiếc gương này không? Thái độ nào chúng ta sẽ chọn để đáp lại câu nói này? Chính sự đáp lại của ba mẹ sẽ giúp cho LÒNG CAN ĐẢM của con trẻ phát triển hoặc là tan biến và tệ hơn là, con không được phép nói như vậy, như thế là vô lễ, còn chỗ nào cho lòng can đảm trong con hiện diện và được nuôi lớn hay không? Nếu không cẩn trọng, ba mẹ cho mình quyền ba mẹ luôn đúng, con nít biết gì mà nói. Lòng can đảm của con trẻ cần được vun bồi trong chính ngôi nhà của mình, bằng cảm giác TỰ DO, AN TOÀN để chia sẻ điều mình quan sát thấy và được mang nó ra bằng lời rồi được đón nhận. Sẽ như thế nào nếu trẻ luôn sợ sai, luôn sợ lên tiếng nói ra điều mình thấy với tình yêu và lòng tôn trọng? Sợ bị chê, sợ sai, sợ bị đánh giá, sợ và sợ... nên chọn im lặng cho lành. Rồi con sẽ đóng khung chính mình và cũng đặt người khác và những chiếc khung mà con cho là đúng cho tới khi con vào đời.
Con bạn đang phản chiếu điều gì về bạn? Ba mẹ có đang dùng thời gian để soi lại mình trong mắt của con?
Anh Hùng và Nguyệt mỗi ngày mỗi học hỏi để trở thành ba mẹ khôn ngoan, kết nối, yêu thương và dẫn dắt 2 con trở thành 2 người trưởng thành lành mạnh và can đảm. Với mong muốn mang sự kết nối, yêu thương, những cái ôm ấm áp, những cuộc trò chuyện chất lượng trở lại mỗi gia đình. Tụi mình rất mong muốn được đồng hành với bất kỳ gia đình nào đang có sự quan tâm đến đời sống hôn nhân và nuôi dạy con. Tụi mình luôn ở đây để kết nối với bạn.
Nhận xét